Mẹ có biết những điều nên và không nên làm khi bé sốt?

Khi con bị sốt, một số bố mẹ cứ cuống cuồng lên. Thật ra, khi nắm vững những điều nên và không nên làm gì khi trẻ bị sốt, bạn sẽ chăm con tốt hơn.

Là bố mẹ, chắc hẳn bạn sẽ ít nhất một lần thấy trẻ bị sốt. Có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến việc đi bác sĩ nhưng trước hết, hãy thử một số cách hạ sốt cho trẻ để giúp bé khỏe hơn và an toàn hơn.

 Những điều bố mẹ NÊN làm khi bé bị sốt:

Thật ra sốt là một phản ứng của cơ thể để chống lại nhiễm trùng, hầu hết các bé sẽ đỡ sốt sau 3 ngày. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá cao, bé sẽ khó ăn uống và nghỉ ngơi, từ đó dẫn đến việc trẻ lâu khỏi bệnh hơn. Do đó, tình trạng sốt không ảnh hưởng đến hành vi của bé, bạn không cần phải làm gì để hạ nhiệt.

  • Bạn nên cho bé uống nhiều nước hơn để ngừa mất nước và không ủ ấm bé quá nhiều bằng chăn hay quần áo dày khi bé ngủ.
  • Nếu nhiệt độ của bé cao hơn bình thường do mặc nhiều quần áo quá, do thời tiết nóng hay thậm chí là do bé hoạt động nhiều, bạn chỉ cần cởi bớt đồ, cho bé nghỉ ngơi hoặc cho bé chơi ở nơi thoáng mát là được.
  • Acetaminophen có thể giúp làm hạ nhiệt bé. Nếu trẻ lớn hơn 2 tuổi, liều lượng sẽ được kê trên bao bì. Trong trường hợp ngược lại, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Một lựa chọn tốt khác là ibuprofen, tuy nhiên thuốc chỉ phù hợp nếu bé của bạn lớn hơn 6 tháng tuổi.

 Những điều bố mẹ KHÔNG NÊN làm: 

Những cách dưới đây sẽ phản tác dụng nếu bố mẹ áp dụng cho trẻ bị sốt:

  • Không nên cho bé uống aspirin vì sẽ dẫn đến một tình trạng được gọi là hội chứng Reye
  • Tránh dùng thuốc cúm và thuốc cảm lạnh ở trẻ nhỏ hơn 4 tuổi
  • Nếu bạn mua thuốc cảm lạnh cho bé, hãy đọc kĩ hướng dẫn và chọn thuốc có thể điều trị những triệu chứng gần giống nhất với bé. Đừng tự ý dùng thuốc ở những lần bệnh trước của trẻ mà không có sự đồng ý của bác sĩ nhi khoa
  • Không dùng bồn tắm nước lạnh hoặc lau mát trẻ bằng cồn vì nó có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể trẻ hơn nữa
  • Không ủ ấm bé bằng chăn hoặc quần áo dày cho dù bé có lạnh run.

 Khi nào bạn nên đưa con đến bác sĩ?

Thông thường, bạn không cần phải đưa trẻ đến bác sĩ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng sốt có thể là một triệu chứng cảnh báo. Hãy đưa con đến bác sĩ nhi khoa nếu bé có những biểu hiện sau:

  • Sốt từ 40°C trở lên (hoặc sốt từ 38°C trở lên nếu bé dưới 3 tháng tuổi)
  • Sốt kéo dài hơn 72 giờ (hoặc hơn 24 giờ nếu bé dưới 2 tuổi)
  • Sốt kèm với những triệu chứng như cổ cứng, đau họng nhiều, đau tai, nổi ban hoặc đau đầu
  • Co giật
  • Bé rất mệt, đừ, không thích chơi đùa.

 Một vài lưu ý khi đo nhiệt độ cho bé

 1. Bao lâu bạn nên kiểm tra thân nhiệt của bé một lần?

Điều đó phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bé. Bạn nên hỏi bác sĩ Nhi khoa để biết rõ hơn. Thông thường, bạn không cần phải liên tục lấy nhiệt độ của bé hay ép buộc phải lấy nhiệt độ khi bé đang ngủ yên. Bạn hãy làm khi thấy bé có vẻ mệt hơn.

 2. Loại nhiệt kế nào là tốt nhất cho bé?

Nhiệt kế điện tử là tốt nhất. Bạn có thể đặt nó ở miệng, hậu môn hoặc nách đều được.

Đối với trẻ nhỏ, nhiệt độ hậu môn là chính xác nhất. Nếu con từ 4 tuổi trở lên, bạn có thể đặt nhiệt kế ở miệng. Nhiệt độ ở nách ít chính xác hơn nhưng dễ làm. Nhớ cộng thêm 1°C khi đo ở nách để có chỉ số chính xác hơn nhé.

Bạn chắc hẳn sẽ cảm thấy không dễ chịu gì khi nhìn con bị bệnh, nhất là khi bé bị sốt và tỏ ra rất khó chịu. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và nhớ rằng, bất kỳ một đứa trẻ nhỏ nào cũng bị sốt và thông thường chúng sẽ tự hết. Việc bạn tự gây áp lực cho mình khi thấy con bị bệnh sẽ không giúp bé khỏe nhanh hơn mà đôi khi còn khiến bạn bệnh trong khi đang chăm sóc cho bé nữa đấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *